Home Biển quê hương Biển đảo Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc lập và tổ...

Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc lập và tổ chức tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

862
0

Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạch định các chính sách phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế – xã hội nói chung cũng như trong bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trước đây, công tác điều tra cơ bản đối với một số loại tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu được thực hiện thông qua Đề án Tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 – Đề án 47 (được ban hành theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ); hoặc các bộ, ngành, địa phương tự thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Để phát huy công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển đảo; tạo được định hướng, điều phối, thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Quốc hội đã ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định về chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và giao Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 40/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tại 02 văn bản quy phạm pháp luật này đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc lập và tổ chức thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

1. Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc lập chương trình trọng điểm

 a) Đề xuất các các dự án, đề án, nhiệm vụ để đưa vào chương trình trọng điểm

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ để đưa vào chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào nhu cầu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của ngành, lĩnh vực, địa phương và quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 gửi văn bản đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ kèm theo Danh mục và đề cương sơ bộ dự án, đề án, nhiệm vụ đề xuất đưa vào chương trình. Danh mục và đề cương được lập theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP.

b) Tổng hợp, rà soát các dự án, đề án, nhiệm vụ và xây dựng dự thảo chương trình trọng điểm

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát dự án, đề án, nhiệm vụ đưa vào chương trình theo nguyên tắc, căn cứ và yêu cầu quy định tại Điều 20 và Điều 21 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp, rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm các nội dung sau đây:

– Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của chương trình;

– Phạm vi và thời hạn của chương trình;

– Các nhiệm vụ của chương trình;

– Giải pháp, nguồn nhân lực, dự toán kinh phí và tiến độ thực hiện chương trình;

– Danh mục dự án, đề án, nhiệm vụ của chương trình;

– Tổ chức thực hiện chương trình.

c) Lấy ý kiến về dự thảo chương trình trọng điểm

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi dự thảo chương trình kèm theo báo cáo thuyết minh để lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ; tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo chương trình trọng điểm.

d) Phê duyệt chương trình trọng điểm

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trọng điểm.

Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trọng điểm gồm:

– Tờ trình phê duyệt chương trình;

– Dự thảo chương trình và báo cáo thuyết minh;

– Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ;

– Dự thảo Quyết định phê duyệt chương trình.

2. Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện chương trình trọng điểm

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình trọng điểm đã được phê duyệt; tổ chức đánh giá việc thực hiện chương trình trọng điểm khi kết thúc thực hiện hoặc trước khi điều chỉnh chương trình.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc chương trình trọng điểm.

c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm: tổ chức lập, phê duyệt, thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình trọng điểm; định kỳ hàng năm gửi báo cáo tình hình thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ được giao về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình trọng điểm./.

Vụ Chính sách, Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (vasi.gov.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.