Ngày 19/4/2022, tại trường THPT Quảng Xương I, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, Hải đoàn 128 phối hợp tuyên truyền biển đảo gắn với tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân trong thời kỳ mới năm 2022.
Toàn cảnh buổi phối hợp tuyên truyền về biển, đảo cho học sinh trường THPT Quảng Xương I
Quân chủng Hải quân được thành lập ngày 07/5/1955, là một thành phần quan trọng của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; tham gia phát triển kinh tế biển và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Trải qua gần 70 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành Hải quân đã vượt qua khó khăn gian khổ, thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã trưởng thành trong chiến tranh giải phóng, chiến tranh vệ quốc; trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân lập nhiều chiến công xuất sắc, xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.
Để góp phần xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới. Sau khi đã thống nhất với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Giáo dục – Đào tạo Thanh Hoá, Hải đoàn 128 phối hợp tuyên truyền biển đảo gắn với tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng Quân chủng Hải quân trong thời kỳ mới đối với học sinh THPT tỉnh Thanh Hoá.
Phối hợp tuyên truyền của Hải đoàn 128 đến các em học sinh THPT tỉnh Thanh Hóa lần này có các nội dung như: Biển, đảo và vị trí, vai trò của biển đảo nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ; quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; những thành tích, chiến công tiêu biểu của Hải quân Nhân dân Việt Nam; yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng của Hải quân Việt Nam trong hiện tại và tương lai. “Học viện Hải quân – mái trường chắp cánh những ước mơ”. Một số chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với Quân chủng Hải quân; đối với sỹ quan Hải quân; môi trường học tập, công tác khi ra trường. Những động thái mới trên Biển Đông thời gian gần đây; kết quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Việt Nam là một nước nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng Đông Nam Châu Á. Vùng biển Việt Nam rộng trên một triệu km2, chiếm 29% diện tích của Biển Đông và rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền (Lãnh thổ Việt Nam rộng 331.991 km2).
Vùng biển nước ta tiếp giáp với vùng biển nhiều nước: Phía Bắc giáp với vùng biển Trung Quốc; phía Đông, Nam, Tây Nam giáp với vùng biển của các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Thái Lan. Nước ta có 28 tỉnh, thành ven biển, có trên 100 cửa sông đổ ra biển, có trên 1/2 dân số sống tại các tỉnh, thành ven biển, đây là nơi tập trung nhiều đô thị lớn, kết cấu hạ tầng phát triển. Bờ biển nước ta dài khoảng 3.260 km (từ Quảng Ninh đến Kiên Giang), đứng thứ 27/157 quốc gia ven biển, các đảo quốc và lãnh thổ trên thế giới.
Vùng biển nước ta có gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, Trong đó có 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Biển, đảo nước ta có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc. Từ thời xa xưa, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của dân tộc ta. Vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Là tiềm năng thế mạnh quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Tài nguyên hải sản biển nước ta rất đa dạng, với trữ lượng hơn 4,2 triệu tấn, hàng năm có thể khai thác 1,6 – 1,7 triệu tấn cá; 60 – 70 ngàn tấn tôm; 30 – 40 ngàn tấn mực và hàng chục vạn tấn các loại hải sản khác…
Năm 2021 xuất khẩu Thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 8,9 tỷ USD, (năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD), đây là kết quả vượt hơn sự mong đợi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU…
Vùng biển và thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích có triển vọng với trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi và hàng tỷ m3 khí. Bình quân khai thác trên 20 triệu tấn dầu thô và gần 2 tỷ m3 khí/năm, vươn lên trở thành nước lớn thứ 3 trong khu vực về khai thác dầu khí (sau Indonesia và Malaysia) và đứng thứ 35 thế giới về sản lượng dầu khí.
Ngoài dầu khí, các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển là than, sắt, titan, vàng, uran, cát thuỷ tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác. Trong đó, hỗn hợp khí đốt mới Băng cháy được coi là nguồn năng lượng sạch thay thế dầu mỏ và than đá trong tương lai (đây là hỗn hợp khí Mêtan và Hiđrô, trữ lượng ở vùng biển nước ta ước đạt khoảng 80 tỷ tấn).
Biển là cửa ngõ giao lưu của các ngành kinh tế trong nước, thị trường khu vực, quốc tế và có tiềm năng lớn về du lịch và phát triển cảng biển, nhất là các cảng nước sâu ở 3 khu vực kinh tế trọng điểm. So với các vùng khác trong nội địa, vùng ven biển là nơi tập trung nhiều đô thị lớn với kết cấu hạ tầng khá phát triển, có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, trong đó một số loại có tiềm năng và giá trị lớn, có nguồn lao động dồi dào và hệ thống đường sắt, thuỷ, bộ thuận tiện…
Tại buổi phối hợp tuyên truyền ông Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương I cho biết, Trong nhiều năm qua trường THPT Quảng Xương I đã có nhiều thành tích về học tập đối với học sinh, nhiều điểm sáng trong vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục. Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, BGH và các thầy cô giáo quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục trong thời kỳ đổi mới phát triển, ngoài vấn đề thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh và giáo viên, nhà trường còn quan tâm vấn đề tuyên truyền về biển đảo, nhằm cho học sinh hiểu được ý nghĩa tầm quan trọng của biển đảo, đặc biệt là biển, đảo Việt Nam. Đồng thời biển, đảo Việt Nam là vị trí quan trọng trong vấn đề bảo vể Tổ quốc. Vì vậy giáo dục thế hệ trẻ ngày nay về tầm quan trọng của biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng của các trường THPT, giáo dục cho các em hiểu được giá trị của biển đảo về kinh tế, quốc phòng, hệ sinh thái, biển đảo chính là một phần của quê hương của chúng ta.
Về vấn đề bảo vệ môi trường biển, nhà trường đã có những chủ trương không đưa rác thải nhựa vào trường học, ý thức bảo vệ môi trường của học sinh được nâng cao. Nhà trường cũng đã hạn chế sử dụng các đồ dùng thiết bị bằng nhựa dùng 1 lần. Tuyên truyền cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng.
Theo kế hoạch phối hợp tuyên truyền về biển, đảo cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa của Hải đoàn 128 lần này gồm 4 trường: Trường THPT Quảng Xương 1; Trường THPT Lê Văn Hưu; Trường THPT Tĩnh Gia 1; Trường THPT Hậu Lộc 1.
Ngọc Thêm