Home Môi trường Biển Quảng Bình: Tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải

Quảng Bình: Tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải

646
0

Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung và CTR sinh hoạt nói riêng trển địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa

Lượng rác thải tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang được thu gom để xử lý.

Theo đó, cơ sở hạ tầng, các dự án xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường từng bước được tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư, mạng lưới HTX, tổ đội vệ sinh môi trường ở các địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển về số lượng cũng như chất lượng, nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm trong hoạt động BVMT ngày càng được nâng cao, nhất là ở các địa phương đạt chuẩn NTM, công tác xã hội hóa trong thu gom, xử lý CTR sinh hoạt đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Bên cạnh đó, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, những điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cũng từng bước được xử lý. Rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 77,4% (trong đó khu vực đô thị đạt 91%); chất thải y tế được thu gom xử lý đúng quy định 100%; chất thải nguy hại cơ bản được kiểm soát và xử lý đúng quy định; nước thải đô thị (thành phố Đồng Hới) đã thu gom xử lý được 60%,

Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương, đơn vị và của toàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xử lý rác thải, BVMT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý CTR ở một số địa phương chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, đặc biệt là ở cấp xã, cơ sở hạ tầng, xử lý CTR chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là CTR công nghiệp và chất thải xây dựng, nhận thức về BVMT, sự quan tâm động viên, khuyến khích của chính quyền cơ sở để các HTX, tổ đội VSMT hoạt động chưa được hiệu quả, kịp thời.

Công nhân vệ sinh thu gom, vận chuyển chất thải tại các cơ sở cách ly Covid-19. (Ảnh:TTXVN)

Ý thức trách nhiệm trong thu gom xử lý rác thải của một bộ phận gia đình, cá nhân và tổ chức còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa tích cực, sâu rộng và thường xuyên, sự phối hợp giữa các cấp các ngành trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chưa chặt chẽ, việc xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu xử lý CTR, đặc biệt là xử lý CTR công nghiệp, chất thải xây dựng chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác thu gom, xử lý CTR chưa đạt hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý CTR hiện nay, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý CTR, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 29/9/2020 về tăng cường công tác quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1215/UBND-TNMT về việc phát động phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 1/4/2021 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang được hoạt động trở lại.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng đặt ra mục tiêu, phấn đầu đến năm 2025, 90% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị và 80% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; đến năm 2030, 100% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị và 90% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tỉnh Quảng Bình coi công tác quản lý, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển bền vững; thể chế hóa yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn gắn với yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển bền vững; đồng thời tăng cường vai trò hiệu lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ xử lý, tái chế chất thải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng các điển hình tiên tiến và nhân rộng thành phong trào toàn dân bảo vệ môi trường.

Ngọc Thêm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.