Home Môi trường Biển Nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường kết hợp du lịch...

Nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường kết hợp du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long: Hướng đi bền vững

1530
0

Nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường kết hợp du lịch có trách nhiệm là giải pháp thiết thực tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành một sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đậm nét làng chài trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) nhằm tăng sức hút về du lịch, góp phần ổn định đời sống cho người dân làng chài sau tái định cư cũng như hỗ trợ việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên bền vững. Những đổi thay ở làng chài Vung Viêng là một ví dụ.

Tính cần thiết của mô hình

Vung Viêng thuộc địa bàn phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 101ha;nằm giữa hàng ngàn hòn đảo thơ mộng trong quần thể Vụng Hà,vịnh Hạ Long, cách đất liền khoảng 25km. Đây là khu vực được quy định nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 1360/QĐ-UBND ngày 14/10/2009 của UBND thành phố Hạ Long.

Trước đây,Vung Viêng là nơi sinh sống của hàng nghìn dân chài, là nơi cảnh quan thiên nhiên hữu tình lưu giữ nhiều nét văn hóa của ngư dân Hạ Long. Tuy nhiên từ đầu năm 2014, tỉnh Quảng Ninh có chính sách di chuyển người dân làng chài Vung Viêng định cư trên đất liền nên hiện tại làng chài chỉ còn một số ngư dân ở lại bám biển, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, hầu hết các hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái cộng đồng trên vịnh Hạ Long nói chung và ở khu làng chài Vung Viêng nói riêng đều mang tính tự phát. Vì vậy, việc đảm bảo các hoạt động này tuân thủ các nguyên tắc về bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp, người dân.

Vấn đề đặt ra là cần phải sắp xếp, tổ chức lại các hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch bằng việc đầu tư đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền, doanh nghiệp và người dân để tạo ra một diện mạo mới, một sản phẩm du lịch theo chuỗi giá trị để gia tăng các lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm ổn định, bền vững cho người dân có sinh kế phụ thuộc vào biển, giảm thiểu áp lực khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên. Tất cả nhằm hướng tới một mục tiêu chung là quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý các tài nguyên của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long một cách hiệu quả, bền vững.

Mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long tại làng chài Vung Viêng được coi là một giải pháp hiệu quả. Mô hình nằm trong khuôn khổ Dự án “Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng vì phát triển bền vững” do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.

Đối tượng tham gia là người dân làng chài Vung Viêng tái định cư ở phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng là đơn vị được lựa chọn phối hợp với các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long triển khai mô hình này. Hợp tác xã Vạn Chài là đơn vị quản lý, thực hiện lắp đặt nhà bè.

Theo đó, mô hình được triển khai thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 12 năm 2016; giai đoạn thứ hai từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018. Đối tượng nuôi là cá vược, cá song, cá giò, cá Hồng Mỹ… và các loại thủy sản khác có giá trị kinh tế cao tạo sản phẩm phục vụ khách du lịch tại chỗ.Mô hình có quy mô 32 nhà bè, được chia thành 5 cụm.

Hình ảnh nhà bè

Nhà bè có diện tích là 180,5m2 được nâng nổi bởi hệ thống 77 phao nhựa có đường kính 57,4cm dài 89cm. Kết cấu bè nuôi là hệ dầm dọc, dầm ngang bằng gỗ táu kích thước 8×12cm liên kết với nhau bằng dây thừng. Toàn bộ bè gồm 10 ô lồng nuôi và một nhà trông coi trên bè. Lồng nuôi là hình hộp vuông. Mỗi lồng có thể tích 27m3. Nhà trông coi đặt trên bè có diện tích 9,7m2; kết cấu gỗ gồm 4 cột kíchthước 15×15cm; kết cấu bao tre là ván gỗ dày 3,5cm. Mái nhà trông coi được lợp tôn đảm bảo che mưa, che nắng tốt.

Cách thức nuôi thủy sản hướng tới sự bền vững bằng cách kết hợp giữa thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp (chế biến) trong đó thức ăn công nghiệp là chủ yếu để hạn chế hòa tan, gây ô nhiễm môi trường; sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc thú y thuộc danh mục được phép sử dụng…

Các hộ tham gia mô hình thí điểm được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập huấn về kỹ thuật từ khâu chọn giống, quản lý chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển…

Song song với nuôi trồng thủy sản, các hoạt động du lịch sẽ được đẩy mạnh như dịch vụ vận chuyển du khách tham quan Tổ hợp nuôi trồng thủy sản bằng tàu du lịch; dịch vụ tham quan giá trị cảnh quan làng chài bằng thuyền nan truyền thống do ngư dân chèo; dịch vụ phục vụ thưởng thức hải sản tại chỗ cho du khách; dịch vụ du lịch tìm hiểu nghề ngư nghiệp mang dấu ấn bản địa riêng như nghề đánh bắt cá, nuôi thủy sản,…

Du khách thích thú tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường kết hợp với du lịch tại Vung Viêng

Ông Tăng Văn Phiến – Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long cho biết: “Tháng 12 năm 2016, chúng tôi đã hoàn thành đầu tư 7 bè nuôi trồng thủy sản cụm số 5 đáp ứng các tiêu chí an toàn trên biển, theo đúng thiết kế phê duyệt và bàn giao cho 7 hộ ngư dân đã được cấp quyền sử dụng mặt nước biển để tiến hành tổ chức nuôi trồng thủy sản. Đến tháng 12 năm 2017 hoàn thành đầu tư 13 bè nuôi trồng thủy sản cụm số 3, cụm số 4 và bàn giao cho 13 hộ ngư dân tiếp theo để hoàn thiện hồ sơ cấp quyền sử dụng mặt nước biển nuôi thủy sản. Trên 7 bè cụm số 5 đã triển khai nuôi các loại cá với số lượng cá song 3.500 con, cá vược 2.800 con, cá giò 2.100 con; thực hành nuôi thí điểm cá chim trắng vây vàng số lượng3.000 con.Giá trị đầu tư con giống khoảng 1,4 tỷ đồng”.

Tác động của mô hình

Vịnh Hạ Long là một khu phức hợp trong đó có nhiều mối liên hệ qua lại giữa thiên nhiên và con người. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu tổng quát được xác định là: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển nuôi trồng thủy sản nhanh, hiệu quả nhưng cũng phải đảm bảo tính bền vững lâu dài, giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường xung quanh; giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc, bảo tồn bền vững Di sản – Kỳ quan thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long đã đáp ứng những tiêu chí ấy. Bởi mô hình này đã tạo công ăn việc làm cho những ngư dân mong muốn quay lại làm nghề nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập cho người dân. Mô hình đã minh chứng được nếu có quy hoạch phù hợp, biện pháp quản lý tốt, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp, quy trình kỹ thuật nuôi thân thiện với môi trường thì hoạt động này không những không gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra sinh kế mới và là điểm để các vùng biển khác có điều kiện triển khai hoạt động du lịch học tập.

Từ khi mô hình được triển khai, lĩnh vực du lịch ở làng chài Vung Viêng đã có những khởi sắc đáng kể. Được biết, lượng du khách đến tham quan làng chài Vung Viêng trước đây mỗi thángkhoảng 10.000lượt nhưng bây giờ đã tăng lên 12.000 – 16.000 khách, có tháng lên đến 18.000du khách.

Bà Phạm Thị Khánh Chi (tổ 5, khu 2, phường Hùng Thắng, Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Nếu nuôi theo cách truyền thống thì vào những tháng kém thức ăn, cá nuôi hay bị chết đói. Với mô hình nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp như hiện nay thì cá được ăn theo đúng tiêu chuẩn, đúng kỹ thuật và vì là thức ăn công nghiệp nên không gây ảnh hưởng đến môi trường.Lượng du khách tham quan nhà bè cũng tăng lên hàng ngày đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó,cứ tám tháng đến hơn một năm là cá lại thu hoạch đượcnên đời sống của chúng tôi cũng tốt hơn”.

Bên cạnh kết quả đạt được, mô hình này còn tồn tại những hạn chế như chưa có nguồn giống để hỗ trợ cho nuôi trồng, nguồn thức ăn chưa được chủ động. Khách du lịch đến đây chủ yếu là khách nước ngoài, sự hạn chế về ngoại ngữ cũng là một vấn đề cần quan tâm.

“Tôi đề nghị với lãnh đạo chính quyền là nên có cơ chế để bổ sung các hoạt động dịch vụ du lịch.Trên vịnh trước đây có rất nhiều dịch vụ nhưng bây giờ chỉ còn duy nhất hai dịch vụ là chèo đò tay, chèo thuyền nan và chèo thuyền kayak; còn dịch vụ đua thuyền rồng, chèo thuyền rồng trên vịnh Hạ Long, trải nghiệm đánh cá cùng ngư dân hiện tại là chưa có phương án, chưa có cách thức triển khai.”- ông Tăng Văn Phiến – Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long chia sẻ. m

Mặc dù, mô hình còn nhiều hạn chế tồn tại nhưng cũng không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà mô hình này mang lại. “Mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường kết hợp du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại làng chài Vung Viêng đang tạo ra hướng đi rất đúng đắn cho bà con nơi đây; bởi nó hình thành phương thức nuôi thủy sản tốt gắn với hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, mô hình cân bằng được việc nuôi trồng và bảo vệ môi trường bền vững. Toàn bộ dự án là 27 nhà bè, tính từ đầu dự án đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã triển khai được 20 nhà bè, kết thúc năm 2018 chúng tôi phấn đấu hoàn thành 27 nhà bè.”-ông Tăng Văn Phiến nhấn mạnh.

Minh Tư

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.