Home Khoa học kỹ thuật Biển Nguyễn Hữu Thức: Một người thơ của xứ sở thuốc lào

Nguyễn Hữu Thức: Một người thơ của xứ sở thuốc lào

1725
0

Nhà thơ lớn Xuân Diệu từng thốt lên rằng: “Cơm áo không đùa với khách thơ” để nói về công việc làm thơ nhọc nhằn thay, khó nhọc thay và thực tế cho thấy đa số đời sống của các nhà thơ đều khá chật vật, khó khăn. Bên cạnh đó cũng có nhiều người không chuyên viết thơ, tất nhiên với họ thơ không phải để mưu sinh mà là để giải tỏa những tâm tư, tình cảm, là cách để giải trí, vận động trí óc trước sự lão hóa của thời gian. Một trong những “con ong chăm chỉ” ấy mà tôi biết là tác giả Nguyễn Hữu Thức.

Tác giả Nguyễn Hữu Thức tại quê nhà

Cái nắng gay gắt, bỏng rát của những ngày hè miền Bắc không cản được bước chân tôi và Nghệ nhân Ưu tú Kim Loan về với xứ sở thuốc lào – huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Hí hửng sẽ được ngắm cánh đồng bạt ngàn thuốc lào nhưng không, mùa này không phải mùa của cây thuốc lào, tuy vậy chúng tôi đã kịp được “bổ mắt” với những cánh phượng mỏng manh, đỏ rực vùng trời và thêm hiểu, đồng cảm với những câu thơ mà Nguyễn Hữu Thức từng viết về loài hoa này bằng cả một niềm tự hào, kiêu hãnh của một người con đất Cảng.

Nguyễn Hữu Thức hiện diện trước mắt tôi là người khá bình dị, chân chất, dễ gần và nếu không được biết trước thì tôi cứ ngỡ đó là người nông dân thực thụ. Nước da ngăm ngăm đen, dáng người thâm thấp, giọng nói vẫn đặc sệt tiếng địa phương, mặc dù tôi biết ông đã có nhiều năm học tập tại Gruzia, Liên Xô (cũ) và bôn ba khắp các phương trời trên dải đất hình chữ S. Có lẽ như thế lại hay, vì như người xưa từng nói: “Văn chương, thơ ca là tấm gương phản chiếu của tâm hồn” nên nếu Nguyễn Hữu Thức “phố hóa” thì có lẽ chúng ta đã không có cơ hội được đọc những vần thơ mộc mạc, chân thành của ông.

Cách đây gần chục năm khi Nguyễn Hữu Thức quyết định “trốn phố”, nhiều người cho rằng đó là quyết định “gàn”, bởi ở cái tuổi của ông bà ốm đau là điều không tránh khỏi thì việc ở phố sẽ có điều kiện tốt để chăm sóc sức khỏe, hơn nữa 3 người con của gia đình cũng đều định cư ở phố cả. Vậy nhưng, ông vẫn nằng nặc về quê để chăm mẹ già và hưởng thụ cuộc sống dân dã, thanh bình. Nói ông về quê để làm tròn chữ hiếu cũng đúng mà nói ông về bấu chặt vào “mảnh đất màu mỡ của thơ ca” để tiếp tục ngân nga những vần thơ “thai nghén” trong mình cũng chẳng sai.

Đại gia đình tác giả Nguyễn Hữu Thức

Hôm nay, được đứng trên mảnh vườn quê của ông mới thấy sự “nằng nặc” ấy là có lý do của nó. Khu đất hiện ông đang sinh sống rộng hơn 3 sào Bắc Bộ (khoảng hơn 1.000 mét vuông) với những hàng cây xanh tốt, nào cau, nào mít, nào chuối, nào nhãn, nào bưởi, nào cam… rồi cả những luống rau xanh ngăn ngắt. Và không gian làng quê yên bình ấy cũng được “hòa tấu” bởi những thanh âm ríu rít, vui tươi của những chú chim bồ câu, những chú gà sau vườn. Được chứng kiến khung cảnh này, tôi trộm nghĩ trong những ngày cả nước “căng mình” chống dịch Covid-19 vừa qua, có lẽ ông cũng không cần phải ra khỏi nhà mà vẫn duy trì được cuộc sống một cách bình thường.

Nguyễn Hữu Thức đến với thơ khá sớm và như một lẽ tự nhiên mỗi ngày chắt chiu, cố gắng lại dày thêm một chút. Ngay từ hồi học phổ thông, ông đã làm thơ trên báo tường rồi viết nhật ký bằng thơ. Tất nhiên ở mỗi thời kỳ khi tâm sinh lý thay đổi thì thơ của ông cũng có những bước tiến mới. Nếu như ngày bé, ông viết những vần thơ ngợi ca tình bạn, tình yêu mẹ cha, gia đình thì lớn lên ông lại bỏng cháy, khát khao với những câu thơ về tình yêu đôi lứa còn khi về già khi đã đủ độ “chín” thì ông lại hướng ngòi bút đến những con người, sự vật, hiện tượng xung quanh qua lăng kính dày dặn của sự trải nghiệm, triết lý và sâu sắc.

Năm 1973, Nguyễn Hữu Thức là một trong 7 thanh niên ưu tú của huyện Tiên Lãng được tuyển chọn qua nhiều vòng khắt khe để được đi du học chuyên ngành cơ khí chế tạo máy tại tại xứ sở Bạch Dương. Ngày ấy tình hình trong nước còn rất căng thẳng, chiến tranh vẫn còn chưa đến hồi kết thì việc được cử đi nước ngoài là một niềm vinh dự lớn của không chỉ bản thân ông mà còn cho gia đình, hàng xóm và dòng tộc. Nhưng đến chính những người tuyển dụng năm ấy chắc cũng không thể biết được họ đã “mang” đi một tâm hồn thơ lấp lánh trong chàng thanh niên với dáng hình nhỏ thó Nguyễn Hữu Thức. 4 năm học xa nhà là từng ấy năm ông thổ lộ nỗi nhớ quê hương, gia đình bằng những câu thơ vụng dại. Hôm nay khi kể lại câu chuyện với tôi, ông nói vui rằng, 4 năm đi học trời Tây ông được “lãi” to, đó không chỉ là “lãi” với hàm lượng kiến thức khổng lồ được học từ đất nước có nền khoa học kĩ thuật tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới thời bấy giờ mà còn “lãi” được 4 cuốn nhật ký bằng thơ. Nhưng cái “lãi” sâu xa mà không thể đong đếm được đó là một hồn thơ được ươm mầm trong một hoàn cảnh đầy trắc trở của sự xa cách, nhung nhớ và đó “chất xúc tác”, một môi trường lý tưởng để những vần thơ được nảy nở, tuôn trào.

“Thơ đến với tôi vừa là bản mệnh và là số mệnh”, Nguyễn Hữu Thức từng bảo thế với tôi, bởi thơ vốn dĩ là một môn nghệ thuật đòi hỏi năng khiếu hơn là sự rèn luyện. Mà tạo hóa đã sinh ra một Nguyễn Hữu Thức gắn chặt với cánh đồng quê, với triền đê, bãi cỏ của xã Cấp Tiến thì sao ông có thể dễ dàng từ bỏ số mệnh làm thơ của mình. Người con trai của làng ấy dù làm nhiều đề tài, nhiều thể loại nhưng tựu trung lại ông đều dùng những từ ngữ hết sức bình dân, dễ hiểu, dễ thuộc, thơ ông mang “hương đồng gió nội” mà nói như cách của Chủ nhiệm CLB thơ Việt Nam huyện Tiên Lãng Nguyễn Minh Phương thì thơ của ông như củ khoai, cây lúa, hòn sắn nhưng khi đọc lên vẫn thấy hấp dẫn và đầy thú vị. Đó là cái tài của Nguyễn Hữu Thức. Cũng phải nói thêm rằng, để có thể giữ được tâm hồn thơ ca giữa bộn bề cuộc sống mưu sinh, Nguyễn Hữu Thức luôn cảm thấy may mắn khi có người vợ đảm đang, xắn vén cùng ông chăm lo cho cuộc sống, thay ông nuôi dạy các con ăn học đàng hoàng, tử tế. Hiện nay cả 3 người con của ông đều đã trưởng thành và quy tụ cùng nhau trong công ty riêng chuyên sản xuất hàng nội thất da, bạt, đệm, ô dù mang thương hiệu Kim Thanh.

Trong lời tựa của cuốn sách “Duyên thơ” (NXB Hồng Đức, năm 2019) của Nguyễn Hữu Thức, một người bạn thân thiết của ông là nhà thơ Quang Huy đã nhận xét: “Hình ảnh thơ của ông chan chứa tình cảm trong từng lời thơ. Tác giả như tự sự, như giãi bày, như đối diện lại với chính mình và đối với bạn đọc. Tác giả đã khéo léo sử dụng nghệ thuật sắp đặt ngôn từ khiến cho người đọc như thấy trong từng trang thơ là mình, là hình ảnh của người thân, là người bạn Nguyễn Hữu Thức đang lắng nghe và sẻ chia”. Đúng thế, để một tác phẩm thơ đi sâu vào tâm khảm người đọc thì người viết thơ không chỉ viết cho mình mà phải đặt trong hệ quy chiếu lớn hơn, rộng hơn, bao quát hơn là viết cho đông đảo bạn đọc. Lấy cái riêng để nâng lên thành cái chung, đó là việc làm không dễ nhưng bắt buộc phải làm để mỗi người làm thơ xác lập được chỗ đứng trong lòng người đọc. Và Nguyễn Hữu Thức đã phần nào “chạm” được vào được điều ấy.

Một vài tháng trở lại đây, ông phải điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thế nhưng đáng mừng là nhờ quá trình tập luyện, ăn uống điều độ, khoa học và điều quan trọng là luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời mà tình hình sức khỏe của ông đang tiến triển tốt. Ông đã được về nhà nghỉ ngơi và chỉ phải lên khám định kỳ. Cầm tay tôi thật chặt, ông bảo: “Hàng chục năm nay, mình chả có bệnh gì. Ngày ngày mình vẫn tham gia chơi và làm huấn luận viên cho đội bóng chuyền hơi người cao tuổi của xã (cả nam và nữ) và đáng mừng là đội bóng của mình đã 3 năm liền giành ngôi vị quán quân trong giải đấu thể thao của huyện Tiên Lãng”. Một người ở tuổi xấp xỉ tuổi “xưa nay hiếm” vẫn có đủ sức nhảy lên đập bóng, có đôi mắt tinh tường để nhìn điểm bóng rơi, có đôi chân mềm mại để có thể bật nhảy thì quả thực là một điều đáng quý.

Khi tôi đang viết những dòng cuối này thì bỗng nhiên vào Facebook lại thấy Nguyễn Hữu Thức đăng lên một bài thơ mới “toanh”, đó là cảm xúc về lần thăm trường vô tình gặp lại cô người yêu cũ. Những câu thơ vẫn đầy khao khát, đầy sự hờn dỗi, đầy sự mong chờ vẫn được “bật” ra trong trái tim người đàn ông ở tuổi xế chiều, điều đó đủ hiểu trái tim ông, tâm hồn ông nào có chịu già đâu?/.

Ngô  Khiêm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.