Năm 2020, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ 01-08/6/2020) với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2020 do Liên hợp quốc phát động, với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

TIỀM NĂNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM
Về phát triển giao thông đường biển
Nước ta có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vận chuyển nhanh chóng, thuận lợi hàng hóa nhập khẩu. Bờ biển dài và khúc khuỷu, với 114 cửa sông, khoảng 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung, có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới.

Về khai thác và chế biến khoáng sản
Vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Đặc biệt, tiềm năng dầu khí phân bố trong 6 bồn trầm tích và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam.
Ngoài ra, ven biển nước ta đã phát hiện được các sa khoáng, khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý, như: titan, ziacon, xeri… Bên cạnh đó, tiềm năng tài nguyên nước biển cũng rất lớn, với các dạng năng lượng biển, như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển.
Về khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản
Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển. Dọc ven biển có trên 37 nghìn héc-ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ…Ngoài ra, còn có hơn 50 nghìn héc-ta các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ, là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển.
Về phát triển du lịch biển
Bờ biển dài trên 3.260km và hàng nghìn hòn đảo ven bờ, hàng trăm bãi biển đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch biển. Sự phong phú, đa dạng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng vùng biển, đảo đã tạo ra những tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh cho du lịch biển Việt Nam, ngày càng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN
Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, tuy nhiên trong thời gian qua nhận thức chung về phát triển bền vững đất nước dựa vào tiềm năng biển, đảo còn chưa sâu sắc, chưa đầy đủ. Cùng với đó, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý, chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các khu kinh tế ven biển còn tràn lan, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vẫn còn nặng tư duy khai thác tự phát, chưa thực sự coi biển là ngôi nhà chung, khai thác chưa thực sự gắn liền với bảo tồn, phát triển.

Đang dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản bị đe dọa, môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng có nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven được đổ ra biển ra biển…. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn theo hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu; chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lể Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, giảm thiểu các hành vi gây hại đối với môi trường và tài nguyên biển, cũng như cách ứng xử, đối phó với thiên tai, kiểm soát tốt nguồn thải, làm sạch bãi biển, bảo tồn hệ sinh thái biển nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai.
Cùng với đó, tạo sinh kế, phúc lợi cho người dân từ biển; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch sinh thái, thám hiểm – khoa học, du lịch cộng đồng, gắn với nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong phát triển bền vững biển Việt Nam.
Phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường điều tra cơ bản biển, đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật; ưu tiên đầu tư đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế, như: hàng hải, chế biến hải sản, nuôi trồng thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số biển, nano biển, sinh dược học biển…
Đồng thời xây dựng quy hoạch sử dụng biển cho toàn quốc mang tính tổng hợp với phương thức tiếp cận sinh thái. Triển khai thực hiện nền kinh tế biển xanh bằng việc bảo đảm tối ưu hóa các lợi ích. Phối hợp thành lập và quản lý các khu bảo tồn ven biển và hải đảo bảo toànchức năng sinh thái của vùng biển và nguồn vốn tự nhiên…
HOÀNG LOAN