Một cựu chiến binh, cán bộ hưu trí gần 40 năm đi đòi công lý liên quan đến thu hồi đất cho biết chưa nhận được bất kỳ văn bản phản hồi nào về sự việc của ông từ UBND TP Hà Nội.
Như chúng tôi đã thông tin, năm 1983 ông Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1933, tổ 3, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) Nhà nước xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) đã thu hồi, giải tỏa 790 m2 đất của gia đình ông đến tận bây giờ việc bồi thường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, một thửa đất ông sử dụng ổn định đã đủ điều kiện cấp sổ đỏ theo quy định nhưng chính quyền vẫn không giải quyết.
Dù đã ngoài “bát tuần” nhưng ông Trần Mạnh Hùng vẫn phải đi khắp nơi để đòi công lý |
Sự im lặng đến “kỳ lạ” của UBND TP. Hà Nội?
Năm 1983 khi TP Hà Nội xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Cừ đã thu hồi, giải tỏa 790 m2 đất của gia đình ông Hùng. Đây là thửa đất có nguồn gốc rõ ràng mà ông được thừa hưởng từ cụ Nguyễn Thị Đắc một phần và mua thêm của ông Ngô Văn Dụ một phần (Điều này cũng được các cấp chính quyền xác nhận). Cho đến tận bây giờ, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có phương án đền bù hợp lý cho gia đình ông. Điều đáng nói ở đây, cho dù ông Hùng liên tục có đơn đề nghị lên các cấp chính quyền, nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Ông Hùng cho biết chưa nhận được bất kỳ văn bản phản hồi nào về sự việc của ông từ UBND TP Hà Nội. Cho dù, đây chính là cấp đã ra quyết định thu hồi 790 m2 đất của gia đình ông.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 30/1/2018 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có văn bản số 2408–CV/UBKTTW chuyển đơn của ông Trần Mạnh Hùng lên ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội để chỉ đạo giải quyết và thông báo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhưng UBND TP Hà Nội vẫn chưa có bất kỳ sự phản hồi nào?
Về vấn đề của ông Hùng, ông Thẩm Văn Vỹ, Phó Chánh văn phòng UBND quận Long Biên cho biết về phía quận đã báo cáo lên Thành phố về trường hợp của ông Trần Mạnh Hùng. Hiện tại, phía quận đang chờ chỉ đạo từ UBND Thành phố Hà Nội.
Ông Phạm Trọng Hảo, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (nơi ông Hùng đang cư trú) chia sẻ: Phía phường rất quan tâm đến nội dung đề nghị của ông Hùng và coi đây là một việc ưu tiên phải giải quyết. Tuy nhiên, thẩm quyền của phường đến đâu, phường sẽ giải quyết đến đó. Còn tất cả đều phải chờ quyết định của cấp trên.
Có thể thấy, các cấp từ Trung ương, quận, phường… đều rất quan tâm đến vấn đề của gia đình ông Trần Mạnh Hùng. Không chỉ vì gia đình ông là một gia đình có truyền thống cách mạng hay bản thân ông là một cán bộ hưu trí tuổi đã ngoài 80 mà bởi vì đây là một quyền lợi chính đáng mà gia đình ông được hưởng. Hay UBND TP Hà Nội còn nhiều việc phải giải quyết nên chưa có thời gian xem xét đến các kiến nghị của một cán bộ hưu trí đã đến tuổi “gần đất xa trời”?
![]() |
Báo cáo của UBND thị trấn Gia Lâm xác nhận phần đất của ông Hùng là ổn định và không có tranh chấp. |
Nhận định của luật sư về mảnh đất đã đủ điều kiện cấp sổ đỏ
Vẫn tiếp theo câu chuyện về gia đình ông Trần Mạnh Hùng. Sau khi Nhà nước thu hồi 790 m2 đất để xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, ông còn 170 m2 đất ở đây. Sau đó, gia đình ông tiếp tục san lấp 158.4 m2 đất ở ao công liền kề. Năm 1985, thực hiện đăng ký kê khai theo Chỉ thị 299, gia đình ông Hùng đã đăng ký sử dụng đất với diện tích 299 m2 có biên lai thu lệ phí đo đạc và lệ phí thủy lợi. Sự việc này UBND Thị trấn Gia Lâm có báo cáo 146/BC-UB về việc xin hợp thức hóa về đất ở của ông Trần Mạnh Hùng. Trong báo cáo nêu rõ, gia đình ông Hùng ở trên mảnh đất này từ năm 1983 đã ổn định, gia đình ông Hùng có 20 nhân khẩu gồm vợ chồng, con cháu đang ở đây và phần diện tích đất trên không có tình trạng tranh chấp.
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, nếu được cấp Giấy chứng nhận thì thu tiền sử dụng đất như sau:
a) Trường hợp đất có nhà ở thì người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng trong hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân; đối với diện tích đất ở vượt hạn mức công nhận đất ở (nếu có) thì phải nộp tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 3 Nghị định này tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Trường hợp sử dụng đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở, nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp như hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng lâu dài thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Như vậy, theo luật sư Đức việc gia đình ông Hùng san lấp và sử dụng phần diện tích 158,4m2 đất ổn định từ trước năm 1993, phần đất trên không có tranh chấp và không nằm trong quy hoạch, bản thân gia đình ông Hùng đã kê khai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chính quyền địa phương đã xác nhận phần đất trên không tranh chấp, không nằm trong quy hoạch và được gia đình ông Hùng sử dụng ổn định từ đó đến nay là đủ căn cứ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác trên phần diện tích đất nói trên, gia đình ông Hùng đã xây nhà và sinh sống ổn định tại đó nhiều năm.
Căn cứ theo các quy định trên thì việc Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng ông Hùng phải nộp 50% thuế sử dụng đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức (cụ thể là 90m2) và 100% thuế sử dụng đất đối với phần diện tích ngoài hạn mức (cụ thể là 68,42m2) là không đúng theo các quy định của pháp luật. Trong trường hợp này phần diện tích đất trong hạn mức của gia đình ông Hùng không phải chịu thuế khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận còn phần diện tích nằm ngoài hạn mức (nếu có) chỉ phải nộp 50% thuế sử dụng đất. Ngoài ra khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình ông Hùng còn phải nộp phần lệ phí trước bạ là 0.5% giá trị thửa đất.
Xuân Quý/Kinh doanh & Pháp luật