Home Tin nóng Cần ký các hiệp định về lao động với các nước láng...

Cần ký các hiệp định về lao động với các nước láng giềng có chung đường biên giới

639
0

Ngày 25-5, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với những đánh giá thẳng thắn về hạn chế, thiếu sót của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn nhiều khó khăn.

ts2ialhvg0-76475_15750299311556596497_a1
Đại biểu Thạch Phước Bình. Ảnh: CTV

Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), một số cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế – xã hội được ban hành, nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa được triển khai quyết liệt, cụ thể và hiệu quả, dẫn đến đời sống nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng biên giới gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, phải quan tâm bố trí vốn để thực hiện chính sách dân tộc, lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách dân tộc, tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư công khi thực hiện các chính sách dân tộc.

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chính sách dân tộc còn thấp, trong khi đồng bào DTTS rất cần nguồn vốn để sản xuất. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung nguồn lực, gắn chính sách với ngân sách, có cơ chế, chính sách phát huy động lực cho đồng bào vượt nghèo, gạt bỏ các chính sách không còn phù hợp, xóa tính ỉ lại của người dân.

Một số ý kiến cho rằng, xuất phát từ khó khăn, nghèo đói, thiếu việc làm, không ít người dân đã vượt biên trái phép sang các nước láng giềng lao động, ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Vì vậy, Chính phủ cần ký các hiệp định về lao động với các nước láng giềng có chung đường biên giới, giúp địa phương hai bên biên giới có cơ sở pháp lý trong việc hợp tác lao động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân sang nước láng giềng tìm kiếm việc làm. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng này, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, có cơ chế hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trong thanh niên đồng bào dân tộc.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề nghị, đi kèm với chính sách xóa đói, giảm nghèo, các cấp, các ngành cần nghiên cứu các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp tâm lý và nhận thức của đồng bào DTTS để họ tuân thủ, thượng tôn pháp luật, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt là giúp nhân dân hiểu các hiệp định, nghị định, quy chế về quản lý biên giới để bà con hiểu, hạn chế vượt biên trái phép đi lao động ở nước láng giềng.

Danh Anh (bienphong.com.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.