Nhìn dáng dấp đĩnh đạc, phong thái tinh anh bên ngoài khó ai có thể đoán được tuổi thực của Anh hùng Lao động, thương binh Trần Hồng Quảng và họ cũng khó lòng biết được trên thân thể ông đang mang vô vàn thương tích. Ông là thế, lúc nào cũng muốn dấu đi tuổi tác và bệnh tật, tiên phong xông pha trên mọi mặt trận, chạy đua cùng thời gian để lao động và cống hiến…
Với tinh thần thép đã được tôi luyện từ cuộc chiến, với phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ luôn “rực cháy” trong bầu huyết quản, ông đã và đang miệt mài theo đuổi và chinh phục hành trình của riêng ông – Hành trình làm theo lời Bác.
Từ thi đua giết giặc lập công
Trong cái nắng hè oi nồng của thành phố Cảng, đôi bàn chân của Anh hùng Lao động, thương binh Trần Hồng Quảng vẫn đều đặn in dấu khắp mọi nơi. Ông vừa lo chỉ đạo, giám sát công việc của Xí nghiệp tập thể Thương binh Quang Minh – nơi ông giữ vai trò Tổng Giám đốc, Kiêm Chủ tịch HĐQT; vừa lo đốc thúc công việc của Hiệp hội doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam – nơi ông đảm trách vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội; ông cũng đang tất bật lo chu toàn mọi việc để chuẩn bị khai trương Bảo tàng hiện vật chiến tranh…
Tiếp chuyện với chúng tôi bên tách trà ấm, ông kể: “Năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, tôi quyết định làm đơn xung phong nhập ngũ. Rời quê hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng), tôi và đồng đội lên Yên Tử (Quảng Ninh) tập trung huấn luyện tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 529, Trung đoàn 5. Tháng 12/1971 tôi và đồng đội bắt đầu chuyến hành quân dài ngày vượt Trường Sơn vào chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Tại đây, tôi được bổ sung vào Sư đoàn 9 – “Quả đấm thép miền Đông” – đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tại Sư đoàn 9, ông tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ tại Bình Long (Bình Phước) năm 1972, chiến đấu với giặc ròng rã 4 tháng trời. Thời điểm này, đơn vị hi sinh nhiều, ông là một trong số ít người may mắn sống sót. Trở về từ chiến dịch, ông lại tiếp tục theo đơn vị đi Kiến Phong, Kiến Tường (Đồng Tháp) đánh địch tái lấn chiếm. Sau đó ngược ra Bình Dương tham gia Chiến dịch Bến Cát đánh đuổi địch co rút về cửa ngõ Sài Gòn. Tại chiến dịch này, ông bị 1 quả pháo bắn trúng, đạn găm khắp thân thể (đầu rạn 3 vết, thủng xương phổi, vỡ xương chậu…), được đồng đội đưa về bệnh xá chữa trị và an dưỡng.
Anh hùng Lao động, Thương binh, doanh nhân Trần Hồng Quảng
Mặc dù mang nhiều thương tật, sức khỏe chưa bình phục hẳn nhưng hằng ngày nghe những dòng thông tin thời sự từ nơi chiến tuyến, lòng ông lại như có lửa đốt. Từ trên giường bệnh, ông viết đơn xin được ra mặt trận tham gia cùng đồng đội giết giặc lập công. Tháng 3/1975 ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sư đoàn 9 của ông kết hợp với Đoàn 232 (Binh đoàn Cửu Long) đánh hướng Tây Nam từ thị xã Hậu Nghĩa đánh vào ngã tư Bảy Hiền, rồi vòng xuống Trần Quốc Toản, đánh vào Tổng nha Cảnh sát Ngụy. Tại đây, ông lại trúng pháo địch, bị thương nặng và được đưa vào Viện Ngụy quân (Viện 175 ngày nay) Vết thương quá nặng anh đã lại chết lâm sàng, đã được đưa ra nhà chờ, sau đã được bác sĩ phát hiện vẫn còn thoi thóp hơi thở được đưa lại phòng cấp cứu đặc biệt. Lần này ông đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, nhưng cuối cùng một lần nữa thần chết lại phải đầu hàng trước con người sắt thép như thế. Dù thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ông vẫn phải ở lại Viện điều trị ròng rã gần mộ năm trời. Khi ra Bắc an dưỡng, ông được xếp thương tật ¼, mất 81% sức khỏe…
Nghĩ về những ngày tháng ấy, ông bảo: “Khi xung phong vào các chiến dịch, tôi luôn nhớ lời dạy Thi đua ái quốc của Bác “Chiến sĩ thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thi đua tăng gia sản xuất”, nên dù trong mọi hoàn cảnh vẫn gắng sức diệt thật nhiều giặc, lập công dâng Bác…
Đến thi đua trên “mặt trận” phát triển kinh tế, xã hội
Trở về sau cuộc chiến, mặc dù được xếp hạng thương binh nặng, được ưu tiên người chăm sóc, nhưng ông vẫn từ chối ân huệ đó, thậm chí ông còn viết đơn xin tham gia lao động. Ông đầu quân cho Công ty Rau Quả Hải Phòng (thuộc Sở Thương mại Hải Phòng lúc đó), rồi được đi học và trở thành cán bộ phân xưởng. Với bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ được tôi luyện trong kháng chiến, ông không ngừng hoàn thiện, thay đổi, phát triển bản thân mình. Đầu năm 1986, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc doanh nghiệp.
Đây cũng là thời điểm ở Hải Phòng nổi lên chuyện thương binh trở về địa phương bức bối do thương tật, đời sống còn nhiều khó khăn, có người đã làm những chuyện không hay làm ảnh hưởng đến danh dự người lính, người thương binh. Đứng trước hoàn cảnh ấy, ông quyết định làm đơn xin từ chức cương vị Phó Giám đốc ở Công ty Rau quả Hải Phòng, đồng thời tập hợp 35 anh em thương binh quê nhà, thành lập nên Xí nghiệp Tập thể thương binh Quang Minh (nay là Tập đoàn Quang Minh)”… Với 35 triệu đồng hỗ trợ ban đầu từ Bộ LĐTB&XH, cùng chút ít đồng vốn gom góp từ bản thân và các thành viên trong Xí nghiệp. Người thương binh Trần Hồng Quảng đã lập nên một mô hình sản xuất mới, mô hình sản xuất tập thể của những người thuộc đối tượng chính sách.
Nhớ những ngày đầu khởi nghiệp, Giám đốc, công nhân trong Xí nghiệp phải lăn lộn khắp nơi, ngày đêm vất vả đem than đi bán cho các nhà máy xi măng… Rồi đầu tư mở xưởng nghiền xi măng tại Lam Sơn (Thanh Hóa) và Ninh Khánh (Ninh Bình). Ông cùng đồng nghiệp cũng đấu thầu 60 ha đầm nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm sú theo hướng quảng canh cải tiến ở Hoành Bồ (Quảng Ninh); Xây dựng hệ thống bể nuôi tôm, ươm tôm giống và đầu tư xưởng sản xuất thức ăn nuôi tôm bằng công nghệ sinh học; Xây dựng lò nung gốm sứ bằng dầu đốt hóa hơi thay cho lò đốt than, củi … Không dừng lại ở đó, Xí nghiệp Tập thể thương binh Quang Minh còn tham gia vận tải hàng và hành khách với trên 100 ô tô các loại.
Với hướng kinh doanh “đi trước đón đầu”, lấy khoa học công nghệ tiên tiến làm bàn đạp cho sự phát triển… Xí nghiệp Tập thê Thương binh Quang Minh đã nhanh chóng xây dựng thành công uy tín và thương hiệu, trở thành doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Không chỉ giải quyết được việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho NLĐ, Xí nghiệp của ông còn đóng góp vào việc xây dựng kinh tế, xã hội tại địa phương, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện và an sinh xã hội…
Năm 2005, tại Đại hội thi đua yêu nước toàn Quốc lần thứ VII, Thương binh Trần Hồng Quảng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Nhận danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng, Anh hùng Lao động, thương binh, doanh nhân Trần Hồng Quảng lại tiếp tục xông pha trên mặt trận phát triển kinh tế, hết lòng với công tác xã hội. Ông cùng tập thể Xí nghiệp xây dựng Nhà máy xi măng Trường Sơn theo quyết định số 108/205QĐ ngày 16/5/2005 phê duyệt quy hoạch xi măng Việt nam từ năm 2010 đến năm 2020 do cung cầu dư thừa thủ tướng cho chuyển đổi theo quyết định số 507/QĐ-BXD, ngày 27/04/2015 của Bộ xây dựng phê duyệt quy hoạch phát triển công nghệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 chuyển sang nhà máy vật liệu xây dựng rồi bắt tay xây dựng Khu sản xuất tập trung tại Thủy Nguyên với 4 Nhà máy: Vôi hoạt tính, Gạch không nung, Nghiền Calanhke, Bê tông Asphalt…
Hiện nay doanh nghiệp do Anh hùng lao động, thương binh Trần Hồng Quảng làm Tổng Giám đôc kiêm Chủ tịch HĐQT có doanh thu hằng năm trên dưới 200 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước hằng năm từ 500 – 1 tỷ đồng, đồng thời tham gia từ thiện hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Dẫn chúng tôi đi tham quan phòng truyền thống – một trong những cơ sở của Bảo tàng hiện vật chiến tranh dự hiến sẽ khánh thành trong nay mai- Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng giới thiệu cho tôi xem hàng ngàn hiện vật. Tất cả các hiện vật của những người cựu chiến binh, đồng đội nơi mọi miền Tổ quốc gửi về đều được ông nâng niu, trân trọng, gìn giữ cẩn thận.
Ông bảo: “Những kỷ vật này lưu giữ ký ức của những người lính. Nó là vật phẩm thiêng liêng của đồng đội ông. Ông muốn nó phải trường tồn mãi mãi. Ông cũng muốn thông qua nó để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, về tinh thần quật cường của dân tộc, muốn khơi giợi, thổi bùng lên lòng yêu nước từ thế hệ trẻ…
Triết lý sống của ông mộc mạc, đơn giản nhưng cũng chân thực như phẩm chất người lính: “Còn sức là còn lao động, còn cống hiến, còn thi đua”. Với Anh hùng lao động, thương binh, doanh nhân Trần Hồng Quảng, hành trình thi đua mãi là hành trình đầy vinh quang của người lính.
Lâm Tới – Phương Ly
(Theo TC Lao động& Công đoàn)